Nga có 145 triệu dân và yêu bóng đá, vì sao đội tuyển vẫn yếu kém?
17:25 Thứ năm 14/06/2018
BongDa.com.vn Đội tuyển quốc gia Nga thiếu một nền tảng vững chắc để trở thành thế lực bóng đá trên đấu trường thế giới.

Trước giờ tuyển Nga xuất quân ở trận mở màn World Cup, cựu danh thủ Manchester United, Kanchelskis tát vào mặt chủ nhà cái đau đớn. Ông chẳng ngần ngại tuyên bố: "Khi Liên Xô tan rã, nền bóng đá của chúng tôi xuống dốc. Bây giờ Nga không còn là đội bóng mạnh. Mọi người Nga đều cho rằng đội hình năm nay yếu nhất mọi thời đại."

Vì đâu đội tuyển Nga trở nên yếu kém? - Bóng Đá

 Đội tuyển Nga bị đánh giá thấp tại World Cup 2018.

Xứ sở bạch dương có 145 triệu người yêu bóng đá, môn thể thao vua luôn cạnh tranh sòng phẳng với khúc côn cầu nhưng tuyển quốc gia của họ nằm trong top những đội có thứ hạng thấp nhất trên bảng xếp hạng FIFA. Vì đâu nên nổi? 

Nước Nga không thiếu những tài năng trẻ, điển hình như Aleksandr Golovin. Cầu thủ 22 tuổi là một trong những viên ngọc sáng của làng túc cầu. Được đào tạo bài bản dưới sự dẫn HLV Leonid Slutsky, anh nhanh chóng phô diễn tài năng ấn tượng.

Sau Confederations Cup vào năm 2017, ngôi sao số 13 lọt vào mắt xanh và liên tiếp được 2 ông lớn Chelsea cùng Arsenal theo đuổi. Hiện tại, Golovin chính là trụ cột và nguồn cảm hứng của đội tuyển Nga.

Vì đâu đội tuyển Nga trở nên yếu kém? - Bóng Đá

 Vì không có cơ sở đào tạo, đội bóng thiếu lứa cầu thủ kế cận.

Thế nhưng, không phải viên ngọc nào cũng được mài giũa và tỏa sáng như Aleksandr Golovin. Nga có sân chơi chuyên nghiệp cho các cầu thủ. Dù không thể so bì với Premier League, La Liga hay Serie A, tuy nhiên, giải quốc nội xứ sở bạch dương cũng có tên tuổi ở đấu trường châu Âu. 

Điểm mấu chốt ở đây chính là Russia Premier League không thu hút và được hỗ trợ xứng đáng. Sau khi Nga giành quyền đăng cai World Cup, bóng đá được ưu tiên hàng đầu. Chính quyền liên tiếp rót tiền với hy vọng xây dựng đội nhà trở nên hùng mạnh.

Dẫu vậy, số tiền chi ra thu lại kết quả không hề tương xứng. Nói thẳng ra, ban lãnh đạo đội tuyển không biết cách đầu tư và làm bóng. Thay vì mở các học viện đào tạo trẻ, HLV trẻ, các chiến lược lâu dài, đội bóng quăng tiền vào HLV ngoại, phí người đại diện và hơn hết, thu nhập mất cân bằng của các cầu thủ. Cuối cùng, như ai cũng thấy, "Gấu" Nga vẫn chỉ là đội bóng hạng xoàng và nền bóng đá vẫn mãi núp bóng kẻ khác.

Kanchelskis nhận định hoàn toàn chính xác, bóng đá nước nhà đã đi xuống trầm trọng. Đầu những năm 1990, Nga chìm trong khủng hoảng sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế ì ạch. Hiển nhiên, bóng đá không được đầu tư mạnh mẽ. Vì vậy, các ngôi sao đều mơ mộng về những ông lớn bên ngoài nước Nga.

Igor Shalimov và Igor Kolyvanov chơi ở Serie A, Andrei Kanchelskis thi đấu tại Premier League, Valery Karpin, Aleksandr Mostovoi và Viktor Onopko khoác áo các đội bóng La Liga, Sergei Kiryakov ở Bundesliga.

Tấm gương của đàn anh khiến thế hệ những năm 2000 có động lực phấn đấu và rời khỏi giải đấu trong nước. Bóng đá Nga thời điểm ấy sản sinh ra nhiều ngôi sao tên tuổi như Andrey Arshavin, Aleksandr Kerzhakov, Roman Pavlyuchenko và Pavel Pogrebnyak. Nhưng tất cả đều không mặn mà với các CLB trong nước.

Với những cái tên như Samuel Eto’o, Hulk và Alex Witsel bị những đồng rúp Nga hấp dẫn, chuyển đến thi đấu tại giải VĐQG Nga vào đầu thập kỷ này, lương của các cầu thủ nội tăng đột biến. Nhằm ngăn chặn các CLB chỉ tung ra sân các ngoại binh, LĐBĐ Nga ban hành hạn ngạch cho các cầu thủ không mang quốc tịch Nga cho mỗi trận đấu. Hệ quả là giá trị chuyển nhượng của những cầu thủ xuất sắc nhất nước Nga tăng một cách chóng mặt.

Tuy nhiên, số tiền họ trả các ngôi sao quá cao và chêch lệch với các giải đấu khác. Một tài năng mới nổi như Aleksandr Kokorin được trả 5 triệu euro một mùa. Dù có để mắt, các ông lớn cũng không dám mạo hiểm bỏ số tiền cao hơn để có được anh. Vì vậy, con đường phát triển của những tài năng trẻ sớm bị chặn lại.

Việc được sống trên núi tiền khiến Kokorin nhanh chóng rơi vào con đường ăn chơi, trụy lạc. Anh không tha thiết việc tập luyện và cho rằng bản thân không cần phải cải thiện. Chính điều này giết chết các ngôi sao tiềm năng của bóng đá xứ sở bạch dương.

Không chỉ Kokorin, Pavel Mamaev cũng là trường hợp tương tự. Sau khi đội nhà bị loại khỏi EURO 2016, thay vì buồn bã, anh đốt tiền vào việc vui chơi. Ngôi sao người Nga chi 250.000 bảng để mua chai rượu. Kế đó, Alan Dzagoev lại chọn CSKA đầu quân và phong độ ngày một xuống dốc.

Việc thiếu kế hoạch lâu dài được thấy rõ ở đội hình tuyển Nga hiện tại. Hãy các trung vệ của họ, Sergei Ignashevich đã 39 tuổi và cặp anh em Berezutsky cũng chuẩn bị bước qua tuổi 36. Việc Liên đoàn hạn chế ngoại binh không đem lại hiểu quả. Ngoại trừ CSKA, câu lạc bộ hàng đầu vẫn sử dụng trung vệ nước ngoài, Sau một thời gian, đội tuyển không có lứa trẻ kế vị.

HLV Stanislav Cherchesov buộc lòng phải sử dụng cầu thủ thiếu kinh nghiệm Georgi Dzhikiya, hậu vệ trái Fyodor Kudryashov và Viktor Vasin. Những cái tên đều có màn trình diễn thiếu thuyết phục trước giải đấu.

Ngoài ra, việc Nga không có các cơ sở đào tạo khiến nhiều người nhanh chóng từ bỏ giấc mơ bóng đá. Thay vì chạy theo trái bóng trên những con đường sỏi đá, họ quyết định làm công nhân hầm mỏ, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Bạch Băng | 16:18 14/06/2018