Đừng tiếc cho tuyển Đức bạc nhược, dù bạn có yêu họ đến mấy
09:23 Thứ năm 28/06/2018
Tôi là người hâm mộ đội tuyển Đức từ năm 1990. Và trong suốt 28 năm qua, lần đầu tiên tôi mới chứng kiến một “Die Mannschaft” tồi tệ và thảm hại đến vậy.

Người ta vẫn nói rằng bóng đá Đức chạm đáy vào cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000. Tại EURO 2000, “Cỗ xe tăng” chỉ kiếm được một trận hòa trước Romania trước khi thua Anh 0-1 và Bồ Đào Nha 0-3 để rồi cúi đầu rời Bỉ - Hà Lan ngay khi kết thúc vòng đấu bảng.

Bốn năm sau, tại EURO 2004, Đức cũng bị đá văng ngay từ vòng đấu bảng khi Michael Ballack và các đồng đội chỉ kiếm được 2 trận hòa trước Hà Lan (1-1) và Latvia (0-0), trước khi bị đội hình B của Cộng hòa Czech kết liễu.

Nhưng những trải nghiệm tồi tệ đó cũng không thể so sánh được với những cảm xúc đi từ nỗi thất vọng, sự cay đắng cho đến giận dữ khi chứng kiến nhà đương kim vô địch thế giới Đức thua Hàn Quốc 0-2 và bị loại khỏi World Cup 2018 theo cái cách không thể nhục nhã hơn.

Đừng tiếc cho tuyển Đức bạc nhược, dù bạn có yêu họ đến mấy - Bóng Đá

Tuyển Đức của HLV Joachim Loew chơi thứ bóng đá tiki-taka nửa mùa, dở dở ương ương.  

Bởi Đức ở EURO 2000 là đội bóng già nua, khô hạn tài năng sau những tháng năm dài ngủ quên trong vinh quang quá khứ. Còn Đức tại EURO 2004 là tập thể xơ cứng, chất lượng kỹ thuật trung bình, chỉ có một vài mầm non mới nhú.

Nhưng ít nhất, hai đội bóng đó chơi còn có khát vọng, sự quyết tâm và tốc độ hơn hẳn những gì mà thầy trò HLV Joachim Loew thể hiện trong những ngày qua.

Thứ bóng đá vô hồn, chậm chạp, cùn nhụt

Những tưởng sau khi thoát hiểm vào phút chót trong trận gặp Thụy Điển, ông Loew sẽ rút ra bài học và từ bỏ thứ bóng đá “tiki-taka nửa mùa” chậm chạp, vô hồn, cùn nhụt mà ông ép các học trò chơi từ suốt những trận giao hữu tiền World Cup cho đến nay.

Cũng không ai nghĩ đến chuyện Mesut Oezil và Sami Khedira sẽ được quay trở lại đội hình chính. Nhưng không, ông Loew vẫn “ngựa quen đường cũ” khi bỏ ngoài tai tất cả mọi lời cảnh báo và van nài của giới chuyên môn cũng như các cổ động viên.

Chân sút Mario Gomez và tiền vệ trẻ tài năng Julian Brandt tiếp tục ngồi ghế dự bị, Oezil và Khedira một lần nữa được tin tưởng, còn tiền vệ trung tâm Leon Goretzka bị ép đá bên cánh phải hoàn toàn không phải sở trường của anh.

Suốt 60 phút đầu tiên, Đức tiếp tục chơi thứ bóng đá vô hồn, giống như những gì họ đã thể hiện khi đối đầu với Áo và Saudi Arabia trước thềm World Cup và khi đụng độ Mexico cũng như hiệp một trận gặp Thụy Điển.

Các cầu thủ Đức như đi bộ trên sân, chuyền qua, ban lại, không thể hiện bất kỳ sự khẩn trương nào, không có bất kỳ pha bóng tốc độ nào. Họ nghĩ mình có thể ban bật từ từ rồi đi bộ đưa bóng vào lưới đối thủ ư?

Đừng tiếc cho tuyển Đức bạc nhược, dù bạn có yêu họ đến mấy - Bóng Đá

Nỗi buồn của các cổ động viên Đức khi chứng kiến đội nhà thất bại nhục nhã.  

Không ai hiểu ông Loew nghĩ gì khi tiếp tục áp dụng thứ chiến thuật đã bị chứng minh là vô hiệu quả đó. Suốt 60 phút, người Đức quanh đi quẩn lại như gà mắc tóc trên sân. Tất nhiên, Hàn Quốc chẳng gặp bất kỳ khó khăn gì để ngăn chặn một đối thủ tầm thường như vậy ghi bàn.

Có lẽ ông Loew nghĩ rằng với những ngôi sao có trong tay, Đức sẽ dễ dàng hạ đội bóng châu Á kể cả khi ông đã lãng phí một giờ đồng hồ. Nhưng dường như thông tin Thụy Điển dẫn trước Mexico chỉ khiến các đôi chân Đức thêm trĩu nặng.

Lần lượt Gomez, Thomas Mueller và Brandt được đưa vào sân, một số cơ hội ngon ăn được tạo ra, nhưng tất cả đều bị lãng phí. Sự bạc nhược được thể hiện rõ ràng. Khi mà khát vọng không còn trong khi sự ngạo mạn lại quá thừa mứa, một nhà vô địch hoàn toàn có thể biến thành đội bóng hạng ba.

Đã đến lúc ông Loew và các cựu binh ra đi

Pháp từng rơi vào cái bẫy tự giăng đó hồi năm 2002, Tây Ban Nha cũng trải qua cơn đau tương tự hồi năm 2014, vậy thì chẳng có lý do gì để Đức có thể trở thành ngoại lệ.

Đừng tiếc cho tuyển Đức bạc nhược, dù bạn có yêu họ đến mấy - Bóng Đá

Đã đến lúc ông Loew và một số cựu binh Đức ra đi, nhường chỗ cho những tài năng trẻ có khát vọng lớn lao hơn.  

Sẽ nhiều người nói rằng đó là “lời nguyền nhà vô địch”. Nhưng chẳng có lời nguyền nào ở đây cả. Thứ giết chết Đức như từng giết Pháp và Tây Ban Nha chính là sự ngạo mạn và thiếu khát vọng.

Còn nhớ tại FIFA Confederations Cup hồi năm 2017, ông Loew mang đến một đội bóng trẻ trung, gồm toàn những gương mặt mới đầy triển vọng, và Đức giành chức vô địch trước các đối thủ giàu kinh nghiệm hơn.

Nhìn những gì đã xảy ra tại vòng đấu bảng World Cup, có lẽ “đội hình B” đó xứng đáng có mặt tại Nga hơn là những ngôi sao đầy tiếng tăm nhưng đã cạn kiệt khát vọng.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1938, đội tuyển Đức bị loại ngay từ vòng đấu bảng một kỳ World Cup. Thất bại đáng xấu hổ ở tầm lịch sử này chắc chắn sẽ phải dẫn đến những thay đổi triệt trong nội bộ “Die Mannschaft”.

Sau 12 năm đứng mũi chịu sào, đem lại nhiều thành công cho Đức, có lẽ đã đến lúc HLV Loew nói lời chia tay. Thành công đã khiến ông trở nên bảo thủ, trì trệ đến mức mù quáng.

Và cũng đã đến lúc những cựu binh như Manuel Neuer, Jerome Boateng, Mats Hummels, Khedira, Oezil, Mueller hay Gomez nhường chỗ lại cho thế hệ đàn em giàu khát khao hơn, điển hình là Leroy Sane (người bị ông Loew loại bỏ không thương tiếc), Brandt, Marc-Andre ter Stegen, Goretzka…

World Cup 2018 đã khép lại với đội tuyển Đức. Đừng ai tiếc nuối cho thầy trò ông Loew, dù là những cổ động viên trung thành nhất của “Die Mannschaft”, bởi họ không xứng đáng với sự tiếc nuối.

Hãy hướng về một tương lai tươi sáng hơn, bởi bóng đá Đức vẫn còn những tài năng trẻ đầy triển vọng để giúp “Cỗ xe tăng” xóa đi nỗi nhục lịch sử này.

Nguồn: Zing.vn
Hiếu Trung | 00:04 28/06/2018