World Cup 1966 và câu chuyện về người hùng… 4 chân
09:13 Thứ bảy 02/06/2018
Nếu không có một chú chó, kỳ World Cup 1966 có thể đã không được tổ chức trên quê hương bóng đá, ĐT Anh đã có thể không vô địch thế giới lần đầu tiên và cũng là duy nhất.

16 năm sau lần đầu tiên tham dự World Cup và thất bại xấu hổ trước ĐT Mỹ, người Anh cuối cùng cũng mang cúp thế giới về quê hương của bóng đá. Mọi thứ được chuẩn bị khá kỹ càng.

Người Anh sáng tạo ra thứ gọi là “Linh vật World Cup” mà tới giờ không thể thiếu được trong bất kỳ VCK World Cup nào. Năm đó, chú sư tử mặc chiếc áo màu quốc kỳ Anh cùng dòng chữ World Cup đã đi vào lịch sử.

Mải sáng tạo, người Anh đã… quên mất chi tiết quan trọng nhất: chiếc cúp Nữ thần vàng Jules Rimet. Tháng 12/1965, 6 tháng trước khi VCK World Cup khởi tranh, chính phủ Anh mới cho đúc chiếc cúp Jules Rimet mới bằng vàng nguyên khối, cao 13 inch (khoảng 32 cm).

World Cup 1966 và câu chuyện về người hùng… 4 chân - Bóng Đá

Chiếc cúp Nữ thần vàng. Ảnh: Footballcollectorsitems. 

Sau hai tháng chế tác thủ công, chiếc cúp được chuyển tới thánh đường trung tâm của giáo hội Methodist, gần nhà thờ Wesminister và luôn có 5 bảo vệ trúc tực 24/7.

Không cánh mà bay

Ngày 20/3/1966, chiếc cúp Jules Rimet không cánh mà bay. Theo lời khai của bảo vệ và báo cáo của cảnh sát Anh, trộm đã lẻn vào, cuỗm mất chiếc cúp trước khi chuồn ra bằng cửa sau. Đó là ngày mà một viên cảnh sát nghỉ phép, 4 cảnh sát còn lại mải… uống nước giải lao.

Nước Anh tá hỏa trước sự kiện này. Một mặt, họ cho đúc khẩn cấp một phiên bản cúp Jules Rimet mới bằng kim loại, một mặt điều động lực lượng quân sự lục tung mọi miếng đất.

Cần làm rõ, mất mát này ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Thủ tướng Harold Wilson, người khẳng định VCK World Cup 1966 sẽ là sự kiện thành công với nước Anh, và chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử.

Báo chí xứ sở sương mù thì tỏ ra hoài nghi. Họ đặt ra giả thuyết cơ quan cảnh sát đã cùng những tên trộm dàn xếp để cướp đi chiếc cúp Jules Rimet. “Không thể trùng hợp như vậy được”, tờ Express giật tít trên trang nhất.

LĐBĐ Anh (FA) vào cuộc. Gần như ngay lập tức họ nhận được cuộc điện thoại nặc danh từ người đàn ông tự xưng là Jackson. Người này đòi 15.000 bảng để trả lại chiếc cúp vàng. FA báo cáo lại tình hình cho cơ quan cảnh sát. Một cuộc mai phục đã được bố trí sẵn sàng để lấy lại chiếc cúp Nữ thần vàng.

World Cup 1966 và câu chuyện về người hùng… 4 chân - Bóng Đá

Tuyển Anh vô địch thế giới lần duy nhất vào năm 1966. Ảnh: FIFA.  

Tại địa chỉ hẹn trước là sân Stamford Bridge, Jackson xuất hiện. Ngay khi y cầm vào phong bì cộm tiền, cảnh sát ập ra bắt sống. Song hóa ra tất cả chỉ là cú lừa. Jackson, tên thật là Edward Betchley, một cựu chiến binh hết đát và chỉ là trung gian đứng ra giao dịch cho kẻ chủ mưu.

Những màn tra khảo được cho là rất kinh hoàng từ cảnh sát Anh không khiến kẻ chủ mưu bị lộ mặt. Chi tiết duy nhất mà những cảnh sát thu được là chủ mưu có tên giao dịch là “The Pole”.

Tới giờ, danh tính thật của tên trộm đây vẫn là một bí ẩn. Hắn là ai? Không ai rõ, chỉ biết khi chiếc cúp vàng được tìm thấy, cả nước Anh đã mừng quýnh, thở phào nhẹ nhõm đến mức gần như quên đi thảm họa này.

“Người hùng” Pickles

Khi cả nước Anh đang ôm đầu vì thảm họa mất đi chiếc cúp Jules Rimet thì ở phía Nam London, chú chó 4 tuổi Pickles bất ngờ chạy thẳng vào khu vườn gần đó. Cậu chủ của Pickles, David Corbett, 26 tuổi, chủ cửa hàng thịt ở khu vực này lập tức chạy theo. “Con chó hư đốn này”, Corbett thầm nhủ.

Khi Corbett tới nơi, Pickles đang đào bới rất nhiệt tình trên một khoảng đất gần bụi rậm. Thoáng nghĩ đó là bom, Corbett huýt sáo từ xa gọi Pickles quay về. Mặc kệ cậu chủ, Pickles cứ đào bới tiếp, có lẽ chú chó nghĩ mình vớ bẫm khi đào được khúc xương khổng lồ.

Chiếc hố ngày càng sâu, Corbett thở phào nhận ra đó không phải bom, mà nom giống như một pho tượng được bọc kín bởi giấy báo.

World Cup 1966 và câu chuyện về người hùng… 4 chân - Bóng Đá

Chú chó Pickles bên cạnh "hiện trường". Ảnh: FIFA. 

Tới nơi, Corbett xách Pickles đi về. Trước khi rời đi, anh chàng này đá thử vào “pho tượng” nọ để xem điều gì khiến chú chó cưng của mình háo hức đến vậy. Lớp báo bung ra để lộ dòng chữ Brazil 1962, Corbett dí sát mặt vào “khúc xương” của Pickles, anh không thể tin vào mắt mình.

Corbett chạy thẳng vào nhà hét vào mặt vợ “Em ơi anh tìm được chiếc cúp vàng thất lạc rồi này!”. Không chần chừ Corbett lái xe tới thẳng đồn cảnh sát địa phương.

Sau cú lừa trước đó, FA và lực lượng thi hành chức năng tỏ ra khá dè dặt. Phải mất vài giờ, mọi chuyện mới sáng tỏ. Cảnh sát London sau này ghi chép trong tài liệu rằng rất có thể tên trộm lo lắng mình không thể mang chiếc cúp đi xa nên đã lẻn vào vườn nhà Corbett để chôn chiến lợi phẩm.

Corbett được thưởng 6.000 bảng từ hãng bảo hiểm của chiếc cúp vàng. 6.000 bảng khi đó lớn thế nào? Hồi đó người ta có thể mua vé xem 10 trận World Cup với giá chỉ… 4 bảng.

Về phần Pickles, chú nhận đồ ăn miễn phí từ một hãng đồ ăn cho thú cưng, được nhận huy chương từ chính phủ Anh, thậm chí xuất hiện ngay cạnh chiếc cúp vàng trong buổi tiệc mừng chiến công vô địch World Cup của Tam sư tại khách sạn Royal Garden ở Kingston.

Người đưa ra quyết định này chính là Thủ tướng Anh Harold Wilson, nhân vật chịu ơn của Pickles lớn nhất. Sau đó, Pickles “bị” mời đóng quảng cáo, chụp ảnh, giao lưu như một ngôi sao. Pickles qua đời một năm sau đó, vì tai nạn khi đang đuổi theo… một con mèo.

Về phần chiếc cúp Nữ thần vàng Jules Rimet, nó đã vĩnh viễn thuộc về ĐT Brazil sau khi Selecao lên ngôi vô địch World Cup 1970 tại Mexico. Năm 1983, chiếc cúp bị trộm mất ngay tại trụ sở LĐBĐ Brazil tại Rio der Janeiro. Lần này, không có chú chó Pickles nào xuất hiện để đưa chiếc cúp Nữ thần vàng huyền thoại trở lại.

Nguồn: Zing.vn
Nhật Anh | 06:33 02/06/2018