Đối đầu với Pháp ở tứ kết, Uruguay có vũ khí tối thượng
15:45 Thứ sáu 06/07/2018
“El Maestro” (bậc thầy) Oscar Tabarez hy vọng vũ khí tối thượng mang tên “Garra Charrua” sẽ đem lại cho cá nhân ông tác phẩm để đời trước khi từ giã chiếc ghế HLV tuyển Uruguay.

Uruguay đã sản sinh ra nhiều huyền thoại bóng đá. Kỳ World Cup đầu tiên trên sân nhà năm 1930, hậu vệ Jose Nasazzi và tiền đạo Hector Castro đưa đội bóng lên ngôi vô địch. 20 năm sau, đội bóng làm cú lật đổ ngoạn mục trên sân Maracana trước chủ nhà Brazil gồm các cầu thủ như Juan Alberto Schiaffino, Alcides Ghiggia đi vào bất tử.

Trong những thập kỷ gần đây, bóng đá Uruguay có nhiều tài năng thi đấu tại các CLB hàng đầu châu Âu như Enzo Francescoli, Daniel Fonseca, Ruben Sosa, Diego Forlan, Luis Suarez, Edinson Cavani.

Một trong những huyền thoại của bóng đá Uruguay, tuy nhiên, lại là một trung vệ bình thường với sự nghiệp cầu thủ bình thường, nhưng sau trở thành một trong những HLV giỏi nhất thế giới. Oscar Washington Tabarez giã từ nghiệp cầu thủ năm 32 tuổi, 4 lần dẫn dắt tuyển Uruguay tại các kỳ World Cup. Lần này với hy vọng sẽ tiến xa hơn cách đây 8 năm, khi đội tuyển lọt vào bán kết.

“Chúng tôi phải làm khác người”

Đối đầu với Pháp ở tứ kết, Uruguay có vũ khí tối thượng - Bóng Đá

 Huấn luyện viên Tabarez xây dựng bản sắc cho lối chơi của Uruguay. Ảnh: Reuters.

Trở lại huấn luyện tuyển Uruguay lần thứ hai vào năm 2006, ông Tabarez vạch ra “Chương trình Proceso” đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống bóng đá Uruguay từ đội nhỏ đến đội lớn, chơi cùng một lối chơi, dạy dỗ các cầu thủ cư xử đồng nhất trong và ngoài sân, luôn tự hào mỗi khi được khoác áo đội tuyển.

Điều thứ hai ông Tabarez làm là đưa khái niệm “Garra Charrua” trở lại, coi trọng sự ngoan cường ngang với các kỹ năng chơi bóng trong thi đấu. “Garra Charrua” có nghĩa đen là “móng vuốt”, ông Tabarez làm cho các cầu thủ của mình tin rằng trong tinh thần của họ luôn có sự cuồng nộ và cảm xúc mãnh liệt hơn đối thủ của họ trên sân.

Khái niệm “Garra Charrua” không phải mới. Nó có từ vài thế kỷ trước và mang ý nghĩa khác nhau trong những thời kỳ khác nhau. Từ này đến từ Charrua Indians, một nhóm chiến binh thế kỷ 19. Luôn sống dưới bóng của các nền bóng đá Brazil, Argentina nên Uruguay phải có tinh thần chiến đấu mạnh hơn mới duy trì được sự cân bằng về đẳng cấp.

“Chúng tôi chỉ có hơn 3 triệu dân. Khi chúng tôi sản sinh được một cầu thủ xuất sắc thì Brazil có 20 và Argentina có 10 người như thế. Vì vậy, chúng tôi phải làm việc chăm chỉ ở khâu đào tạo và phải có cách tiếp cận trận đấu hoàn toàn khác người ta”, ông Tabarez giải thích.

Đối đầu với Pháp ở tứ kết, Uruguay có vũ khí tối thượng - Bóng Đá

 Lucas Torreira giữ vai trò rất quan trọng ở tuyến giữa của Uruguay. Đồ họa: Minh Phúc.

Có những lúc “Garra Charrua” được hiểu là lối chơi bạo lực, chém đinh chặt sắt. Đó là trận đấu giữa Uruguay gặp Scotland tại World Cup 1986, mới bắt đầu trận đấu được 56 giây, hậu vệ Jose Batista nhận thẻ đỏ rời sân vì đốn ngã Gordon Strachan. Đội tuyển lúc đó phản ánh tâm trạng của đất nước Urguay.

Đội tuyển có tiền vệ hào hoa Francescoli nhưng không đủ để lấy lại vinh quang cũ. HLV Omar Borras, một giáo viên thể chất, không biết làm gì hơn là áp dụng lối chơi bạo lực vào đội bóng.

Tabarez được đưa lên ghế HLV vào năm 1988 và tại Copa America một năm sau, Uruguay vào đến trận chung kết, thua chủ nhà Brazil. World Cup 1990, Uruguay vào đến vòng 1/8 và thua đội Italy chủ nhà, coi như cũng là một thành công.

Ông Tabarez bắt đầu sự nghiệp dẫn dắt các CLB, từ Boca Juniors ở Argentina, sang Italy làm việc cho AC Milan, Cagliari, tới Tây Ban Nha dẫn dắt Real Oviedo, rồi về Argentina làm cho Velez Sarsfield và Boca. Năm 2006, ông trở lại với đội tuyển Uruguay.

“Garra Charrua” của thời hiện đại

Khái niệm “Garra Charrua” về sau này với Tabarez có khác, đội bóng không chơi bạo lực nữa, mà khôn ngoan, ranh mãnh hơn, nghĩ trước đối thủ một nước, đeo bám một cách gan lỳ, nhưng tránh phạm lỗi nghiêm trọng. Năm 2011, Uruguay vô địch Copa America trên đất Argentina, họ còn nhận giải đội bóng Fair Play nhất giải.

Đối đầu với Pháp ở tứ kết, Uruguay có vũ khí tối thượng - Bóng Đá

 Luis Suarez luôn chiến đấu máu lửa để Uruguay có thành tích tốt. Đồ họa: Minh Phúc.

Trận tứ kết World Cup 2010, Luis Suarez đưa tay ra chặn bóng trước cầu môn cứu thua cho Uruguay và sau đó họ đánh bại Ghana trong cuộc thi sút 11 m. 4 năm sau, cũng Suarez cắn vào vai Giorgio Chiellini gây ức chế cho Italy và khiến đội này về nước ở vòng bảng. Đó cũng là “Garra Charrua”.

Với một người lớn lên cùng bóng đá đường phố, Tabarez hiểu rằng trong bóng đá hiện đại, các cầu thủ phải được phát triển hết các kỹ năng từ nhỏ và trở thành nhà vô địch ở các giải trẻ vào lứa tuổi thiếu niên. Ngoại trừ Diego Godin, Maxi Pereira, Cristian Rodriguez, tất cả cầu thủ tuyển Uruguay hiện tại đều được ông Tabarez gọi vào đội tuyển lần đầu.

Đội hình hiện tại của Tabarez kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Họ có 7 cầu thủ từng dự 3 kỳ World Cup, Suarez và Cavani đều ghi bàn ở 3 kỳ World Cup. 6 cầu thủ khác đã đứng trong đội hình U20 giành vị trí á quân giải U20 World Cup 2013, trong đó có trung vệ Jose Gimenez, các tiền vệ Rodrigo Bentancur, Diego Laxalt.

Đội vô địch giải U20 World Cup 2013 chính là Pháp, hai đội hòa 0-0 sau 120 phút và Pháp thắng trong loạt sút 11 m. Đội bóng U20 của Pháp khi đó nay có 4 cầu thủ được gọi đi dự World Cup 2018: Paul Pogba, Samuel Umtiti, Florian Thauvin, Alphonse Areola. Người Pháp phần nào cũng biết mùi “Garra Charrua”.

Siêu phẩm cuối cùng của “bậc thầy”?

Đối với các cầu thủ, Tabarez như là một người cha. Ông khuyến khích họ đọc sách hơn là chơi game trên điện thoại. Ông cho dựng hẳn thư viện tại trung tâm huấn luyện quốc gia ở ngoại ô thủ đô Montevideo. “Chúng tôi rất tôn trọng El Maestro, và chúng tôi học từ ông hàng ngày”, thủ quân Diego Godin nói.

Đối đầu với Pháp ở tứ kết, Uruguay có vũ khí tối thượng - Bóng Đá

 Huấn luyện viên Tabarez nhận được sự kính trọng của các cầu thủ Uruguay. Ảnh: Reuters.

Biệt danh “El Maestro” (Bậc thầy) mà ông có không chỉ bởi ông đã đào tạo nhiều cầu thủ và có phong cách bậc thầy trong quản lý, mà còn do ông là giáo sư dạy lịch sử thật sự, bên cạnh nghề bóng đá. Tên đệm của ông Washington được đặt từ tướng Washington, tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, nhưng Tabarez lại ngưỡng mộ Che Guevara.

Trên tường nhà ông ở Montevideo vẫn treo một câu nói của Che: “Bạn phải rèn luyện bản thân thành một người cứng rắn, nhưng đồng thời không được đánh mất đi sự dịu dàng, mềm mỏng.” Ông thậm chí còn đặt tên con gái Tania của mình theo tên bạn gái của Che.

Ông điều hành buổi họp báo sau các trận đấu như bài giảng và đưa ra những câu nói đầy tính triết lý có thể mang vào sách giáo khoa. Khi được hỏi về tâm trạng của các cầu thủ sau khi Uruguay thua Costa Rica 1-3 trong trận mở màn World Cup 1994, Tabarez nói: “Động lực là một quá trình nội tâm và được kết nối với nhu cầu con người cảm thấy phải làm điều nào đó.” Đội bóng sau đó loại Anh và Italy để vượt qua vòng bảng.

Nghịch cảnh và đánh bại nghịch cảnh không phải là điều mới với ông. Cách đây 2 năm ông từng muốn từ chức sau khi bị chẩn đoán mắc hội chứng Guillain-Barre, một hội chứng gây rối loạn hệ thống miễn dịch cơ thể, tác động đến cả các dây thần kinh. Nhưng ông vẫn ở lại để trông coi đội bóng này, bằng gậy chống và có lúc bằng xe lăn.

Với 196 trận dẫn dắt đội tuyển quốc gia (trong đó có 6 trận dẫn dắt đội Olympic dự thế vận hội 2012), Tabarez đứng đầu bảng các HLV trên thế giới có số trận dẫn dắt một đội tuyển quốc gia nhiều nhất, vượt trên Sepp Herberger (Đức, 167 trận), Morten Olsen (Đan Mạch, 166 trận)...

Có thể ông sẽ dừng lại sau World Cup này, nhưng ông muốn đội bóng hiện tại đi xa nhất, ông đã không giấu tham vọng lên ngôi cao nhất ở nước Nga. Đội bóng của ông đủ lực làm được chuyện đó. Và tác phẩm cuối cùng của “El Maestro” sẽ là “tác phẩm bậc thầy”?

Nguồn: Zing.vn
Chính Phong | 13:58 06/07/2018