5 lí do khiến Đức thất bại cay đắng tại World Cup 2018
07:20 Thứ năm 28/06/2018
BongDa.com.vn Cú sốc lớn nhất tại Cúp vàng thế giới 2018 đã xảy ra. Nhà ĐKVĐ nước Đức chính thức bị loại ngay từ vòng bảng. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch này ?

"Nhà vua" băng hà, đó có lẽ là chủ đề nóng bỏng và thời sự nhất trên các mặt báo sáng nay. "Nhà vua" Đức nhận thất bại bẽ bàng 0-2 trước đại diện châu Á là Hàn Quốc ở lượt đấu cuối cùng. Việc chỉ giành được 3 điểm sau 3 trận đấu vòng bảng, trong khi ở màn so tài cùng giờ Thụy Điển bất ngờ đánh bại Mexico 3-0, đã khép lại giấc mơ của Mannschaft tại Nga vào mùa hè.

Đây được xem là cú sốc lớn nhất từ khi FIFA World Cup 2018 khởi tranh đến nay. Nhà vô địch 4 năm trước, đồng thời là quán quân của Confederations Cup năm 2017, trong một ngày thi đấu tồi tệ đã rời khỏi giải đấu bằng một tấn bi kịch thực sự.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến Đức phải rời cuộc chơi sớm ? 5 lí do sau đây sẽ góp phần lí giải thất bại tủi hổ của thầy trò HLV Joachim Low.

1. Giới hạn của sự thành công ?

Top 5 lí do khiến Đức thất bại đầy cay đắng tại World Cup 2018 - Bóng Đá

 Khát khao chiến thắng đã không còn xuất hiện trên các gương mặt như: Manuel Neuer hay Mats Hummels.

Ngươi ta thường hay bảo với nhau rằng: "Thành công đã khó, duy trì nó lại càng khó gấp bội phần". Câu nói đó đúng ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có thể thao. Bóng đá là môn thể thao vua, nó là trò chơi của cả một tập thể, nói chính xác hơn là 11 cái tên trên sân.

Đội hình tuyển Đức sử dụng ở các trận đấu vòng bảng, có khá nhiều những gương mặt thành danh trong quá khứ. Họ là những nhà vô địch ở nhiều giải đấu lớn nhỏ và cấp độ khác nhau. FIFA World Cup 2014, vô địch giải U21 châu Âu năm 2017 và Cúp Liên đoàn các châu lục cùng năm.

Ngoài ra, chu kì thành công của Đức đã kéo dài hơn một thập kỉ trở lại đây. Họ là khách mời quen thuộc ở các trận đấu bán kết tại những giải đấu lớn nhất từ năm 2006. Trong danh sách 23 cái tên mà chiến lược gia Low mang sang Nga có 13/23 ngôi sao là nhà vô địch ở 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu (Bayern Munich, Juventus, Barcelona, Paris Saint-Germain, Manchester City) hoặc vô địch Champions League (Real Madrid).

Vị huấn luyện viên 58 tuổi từng phát biểu rằng: "Tôi đã cảm nhận được sự kiêu ngạo từ các cầu thủ trước Mexico. Điều đó là hết sức nguy hiểm vì nó khiến chúng tôi dễ chủ quan và mắc sai lầm.". Julian Draxler thì cho biết: "Tôi không còn nhận ra ngọn lửa chiến đấu từng xuất hiện ở mọi người tại World Cup 2014.".

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, chu kì thành công đỉnh cao kéo dài từ 2 đến 4 năm. Đó có thể là lí do quan trọng giúp giải thích vì sao, chưa có đội bóng nào bảo vệ thành công chức vô địch thế giới từ năm 1962 bởi Braxil cho đến nay.

2. Low đã mắc sai lầm ở khâu lựa chọn đội hình ?

Top 5 lí do khiến Đức thất bại đầy cay đắng tại World Cup 2018 - Bóng Đá

 Cách bố trí và lựa chọn nhân sự của Low có khá nhiều vấn đề tại World Cup 2018.

Giới chuyên gia và người hâm mộ đã đặt ra nhiều câu hỏi, xung quanh việc lựa chọn nhân sự của ông thầy người Đức trước thềm World Cup 2018. 

Vì sao một ngôi sao chạy cánh có phong độ tốt như Leroy Sane, lại bị loại trong danh sách cuối cùng ? Vì sao chân sút Sandro Wagner, người được xem là "tiền đạo xuất sắc nhất" của Đức ở mùa giải qua phải nhường chỗ cho Mario Gomez đã già nua và qua thời kì đỉnh cao ? 

Hậu vệ cánh trái của câu lạc bộ Augsburg là Philipp Max, người có 12 pha kiến tạo ở mùa giải 2017/2018, nhiều hơn bất kì cầu thủ nào của Đức, ngoại trừ Thomas Muller (14) cũng bị gạch tên khỏi danh sách cuối cùng. Người ta hẳn rất nhớ đến anh, nếu nhìn vào cái cách mà Marvin Plattenhardt (Hertha Berlin) loay hoay trong việc phối hợp tấn công cùng các đồng đội trước Mexico.

Low đã cho thấy sự hoài nghi lớn về cách sử dụng con người, trong các trận đấu vòng bảng năm nay. Bộ đôi Mesut Ozil và Sami Khedira có màn trình diễn tệ hại trước El Tri, và phải ngồi dự bị trong màn so tài với Thụy Điển. Nhưng người ta thật khó hiểu khi người đàn ông 58 tuổi này, lại quyết định sử dụng họ ngay từ đầu trong trận chiến sinh tử với Hàn Quốc. 

Quá nhiều quyết định gây tranh cãi về cách bố trí đội hình và lựa chọn nhân sự, có vẻ như Low vẫn chưa tìm ra được đội hình tốt nhất của mình tại Nga. Nếu vậy, thất bại của Đức là việc dễ hiểu.

3. Nội bộ bị chia rẽ

Top 5 lí do khiến Đức thất bại đầy cay đắng tại World Cup 2018 - Bóng Đá

 "lính mới" và "lính cũ"  của Đức không thể hòa hợp tại World Cup 2018.

9/23 cái tên sang Nga lần này của Đức là những nhà vô địch World Cup 2014. 13/23 gương mặt còn lại đã lên ngôi tại Cúp liên đoàn các châu lục năm 2017. Đó là hình ảnh phản chiếu kinh nghiệm, sự thành danh từ lâu của một bên; và phần còn lại là những ngôi sao mới nổi, những người đang khát khao giành chiến thắng với sức trẻ của mình. Chỉ có Matthias Ginter và Draxler là đại diện cho cả hai thế hệ khác nhau.

Truyền thông Đức đã cố tình làm lờ đi mối bất hòa và xung đột giữa hai thế hệ, hai phần tương phản đó trong nội bộ Mannschaft. Họ đều là nhà vô địch, và vì thế họ nghĩ rằng mình xứng đáng được ra sân nhiều hơn.

Thủ thành nổi tiếng Marc-Andre ter Stegen từng nhận định rằng, mình xứng đáng được bắt chính hơn Neuer sau một mùa giải xuất sắc trong màu áo của Barcelona. Trong khi đó, Brandt đã thú nhận là mình chỉ thường xuyên nói chuyện với các đồng đội cùng lên ngôi tại Nga một năm trước, như: Goretzka, Plattenhardt và Werner!.

4. Bài học từ lịch sử

Dù muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận rằng, quá khứ luôn mang đến những kinh nghiệm và bài học vô giá. Trong hai thập kỉ qua, không có quốc gia châu Âu nào bảo vệ thành công ngôi vô địch World Cup mà họ giành được. Tệ hại hơn, họ phải rời cuộc chơi ngay từ vòng bảng ở giải đấu sau đó. Điều mà tuyển Đức "đã làm được" sau trận đấu với Hàn Quốc.

Đó là các trường hợp của Pháp (2002), Italy (2010), Tây Ban Nha (2014) và Đức (2018). Lí do được đưa ra là rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà vô địch luôn là đội bóng rất dễ trở thành mục tiêu hạ bệ ưa thích từ các đội tuyển khác. Trường hợp của Senegal chống lại Pháp (2002), Hà Lan đánh bại Tây Ban Nha (2014) và bây giờ là Mexico và Hàn Quốc vượt qua Đức (2018).

5. Toàn cầu hóa bóng đá

Ngày nay, những kiến thức hay sơ đồ chiến thuật cách tân, phương pháp huấn luyện tiên tiến không còn là điều quá bí ẩn hay không học hỏi được đối với các đội bóng nhỏ. Toàn cầu hóa đã giúp xóa mờ dần ranh giới phân chia giữa các nền bóng đá khác nhau trên thế giới.

Các đội bóng bị đánh giá là cửa dưới ở World Cup năm nay đã tiến bộ trông thấy. Họ phòng thủ tốt hơn và ghi bàn cũng giỏi hơn. Những trải nghiệm của Carlos Salcedo (Mexico), Ludwig Augustinsson hay Emil Forsberg (Thụy Điển) và Heung-Min Son (Hàn Quốc) tại các giải bóng đá hàng đầu thế giới đã giúp ích rất nhiều cho họ trong việc đối đầu với Đức.

Mannschaft đã bị đánh bại bởi hiện tượng: Toàn cầu hóa bóng đá!.

Anh Nguyễn | 06:50 28/06/2018